Khi chuẩn bị cho khóa học Lập tổng mức đầu tư và tính hiệu quả dự án, tôi nhận được câu hỏi: Khi lập Tổng mức đầu tư thì khái toán có liên quan gì không thầy? Dẫn đến tôi phải viết bài này để diễn giải về "Khái toán" và "Tổng mức đầu tư".
Dù bạn có đọc hết các quy định của Luật Xây dựng số 50/2014/QH13, Nghị định số 32/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hay Thông tư số 06/2016/TT-BXD của Bộ Xây dựng hướng dẫn xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Bạn sẽ không tìm thấy có chỗ nào đề cập thuật ngữ "khái toán". Ngay cả điều 3 giải thích từ ngữ của Luật Xây dựng số 50 cũng không đề cập.
Nếu nghiên cứu sâu, bạn sẽ thấy chỉ có thuật ngữ tương đương "sơ bộ Tổng mức đầu tư". Trong thực tế nhiều người vẫn dùng thuật ngữ "khái toán". Đây là thuật ngữ "các cụ" tiền bối dùng từ nhiều năm về trước, các cụ vẫn quen dùng.
Trước đây tôi có dịch một tài liệu tiếng Anh của nước ngoài đoạn như sau, xin dùng để giải thích thêm về khái toán:
"Chủ đầu tư (CĐT) và Nhà thầu (NT) ngồi với nhau ở quán cafe để bàn về việc triển khai 1 dự án có xây dựng công trình cho CĐT. Đặt mình vào địa vị của CĐT, bạn sẽ luôn nóng lòng muốn biết: cần bao nhiêu tiền để làm dự án đó, xây công trình đó? Nhưng để tính toán chính xác thì cần phải có căn cứ, số liệu được xây dựng, thu thập theo phương án, phương pháp... cụ thể. Nên khi CĐT hỏi tôi cần khoảng bao nhiêu tiền cho dự án này? Nhà thầu vớ đại 1 mẩu giấy ngay gần đó, có thể là 1 mảnh giấy bạc lấy từ bao thuốc lá và nháp nhanh 1 vài con số theo kinh nghiệm và số liệu của 1 vài dự án anh ta đã làm. Từ đó đưa ra được 1 con số áng chừng để giúp chủ đầu tư hình dung".
Đó tôi hiểu khái toán kiểu như vậy. Tức là khi số liệu về dự án về công trình còn ít, người ta cứ nhẩm tính, ước lượng chi phí cần thiết mà chưa có đủ nhiều căn cứ, cơ sở. Cái đó là khái toán.
Sau khi CĐT tự cân đối thấy tầm khoảng chi phí đó mình có đủ lực, thì sẽ quyết định sẽ tiếp tục đi tới. Khi đó sẽ phải lập dự án, thiết kế, đề ra các yêu cầu, đi vào thu thập số liệu, xây dựng phương án, tính toán... theo các số liệu có cơ sở, có căn cứ, có phương pháp bài bản hơn... thì là Tổng mức đầu tư. Theo Luật Xây dựng năm 2003 và các Nghị định trước đó thì gọi là Tổng mức đầu tư hay Tổng mức đầu tư của dự án. Đến Luật Xây dựng số 50 năm 2014 và Nghị định số 32/2015/NĐ-CP thì gọi là Tổng mức đầu tư xây dựng.
Tôi học tiếng Anh để hoàn thiện ngôn ngữ tiếng Việt. Tôi đọc tài liệu tiếng Anh để mượn đó giải thích vấn đề Việt. Bạn nào có cách hiểu về khái toán khác hoặc cách giải thích hay hơn xin mời comment nhé.
Bạn quan tâm khóa học Lập tổng mức đầu tư và tính hiệu quả dự án mời liên hệ Ms Thu An 0985 099 938 hoặc 0974 889 500 để đăng ký học nhé.