Các thành viên trong liên danh Nhà thầu có thể ủy quyền hay phải ký, đóng dấu vào hợp đồng xây dựng?
10/11/2024 / Nguyễn Thế Anh
Lượt xem: 748
Các Nhà thầu là thành viên trong liên danh có thể ủy quyền hay tất cả phải ký, đóng dấu vào hợp đồng xây dựng?
Nhiều bạn vẫn thắc mắc là: nhà thầu liên dành thì có thể ủy quyền cho 1 nhà thầu đứng ra đại diện liên danh để ký hợp đồng với Chủ đầu tư không?
Ví dụ: Khi đấu thầu thì ghép hồ sơ 2 công ty A, B vào cùng đấu. Nhưng ký hợp đồng thì 2 bên ký 1 thỏa thuận liên danh để công ty A đứng đại diện ký hợp đồng với Chủ đầu tư. Chủ đầu tư đồng ý rồi nhưng đến bước làm bảo lãnh thực hiện hợp đồng thì Ngân hàng không chịu. Ngân hàng bắt phải ký hợp đồng 3 bên mới làm bảo lãnh.
Theo quy định tại Điểm d, Khoản 2, Điều 138. Quy định chung về hợp đồng xây dựng của Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 thì việc bắt buộc tất cả các bên phải ký vào hợp đồng là chưa đúng:
"d) Trường hợp bên nhận thầu là liên danh nhà thầu thì phải có thỏa thuận liên danh. Các thành viên trong liên danh phải ký tên, đóng dấu (nếu có) vào hợp đồng xây dựng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác."
Theo trên, nếu các bên có thỏa thuận là cử 1 nhà thầu làm đại diện ký hợp đồng thì vẫn đúng luật. Thỏa thuận đó có thể trình bày trong thỏa thuận liên danh luôn hoặc có văn bản thỏa thuận riêng. Đọc cả câu trên sẽ thấy là các bên là các thành viên trong liên danh thỏa thuận với nhau thôi. Lưu ý: hợp đồng xây dựng sẽ bao gồm tất cả các tài liệu, nên việc cử ra 1 đại diện (có văn bản thỏa thuận) thì đâu làm giảm trách nhiệm của Nhà thầu trước chủ đầu tư khi ký hợp đồng đâu.
Có ý kiến cho rằng tại Điều 65 luật đấu thầu 43/2013/QH12 quy định là: tất cả các nhà thầu liên danh phải ký hợp đồng tất cả các bên.
"Điều 65. Hợp đồng với nhà thầu được lựa chọn 1. Sau khi lựa chọn được nhà thầu, chủ đầu tư đối với dự án, bên mời thầu đối với mua sắm thường xuyên, đơn vị mua sắm tập trung hoặc đơn vị có nhu cầu mua sắm đối với mua sắm tập trung và nhà thầu được lựa chọn phải tiến hành ký kết hợp đồng thực hiện gói thầu. Đối với nhà thầu liên danh, tất cả thành viên tham gia liên danh phải trực tiếp ký, đóng dấu (nếu có) vào văn bản hợp đồng. Hợp đồng ký kết giữa các bên phải tuân thủ quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan."
Như vậy giữa Luật Xây dựng và Luật Đấu thầu có mâu thuẫn với nhau về quy định này. Trong trường hợp này ta phải sử dụng Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13. Trong đó sẽ có quy định:
- Cùng 1 vấn đề mà có mâu thuẫn, văn bản mới hơn thì ưu tiên áp dụng -> Luật Xây dựng mới hơn
- Cùng 1 vấn đề mà có mâu thuẫn, văn bản chuyên ngành được ưu tiên áp dụng -> Lĩnh vực xây dựng thì Luật Xây dựng được ưu tiên áp dụng, Luật Đấu thầu còn có cả đấu thầu thuốc - y tế, đấu thầu đầm tôm đầm cá không chỉ dành riêng cho đấu thầu chuyên ngành xây dựng.
- Bản thân Luật Đấu thầu cũng quy định là phải tuân thủ các quy định khác của pháp luật có liên quan
Kết luận: Theo Luật Xây dựng, nếu các bên liên danh có thỏa thuận ủy quyền cho 1 nhà thầu trong liên danh đứng ra đại diện để ký hợp đồng thì không cần tất cả các thành viên trong liên danh phải ký.