Những ưu điểm và nhược điểm của e-learning

Những ưu điểm và nhược điểm của e-learning

14/06/2017 / Nguyễn Thế Anh

Lượt xem: 1



Những ưu điểm:

Không bị hạn chế về thời gian và địa điểm
Đến được với học sinh ở vùng xa, học sinh không truyền thống
Cho học sinh điều kiện để tiếp xúc với những giáo sư mà họ cần
Tạo điều kiện giao tiếp dễ hơn đối với một số học sinh
Hấp dẫn đối với các học sinh có động cơ thúc đẩy học tập
Tăng mức độ thích nghi của nhà trường
Tăng số lượng học sinh mà không cần đầu tư vào phòng học và các phương tiện học
Mở rộng ra các thị trường giáo dục mới
Tạo cơ hội để thử nghiệm và để chia sẻ nguồn tài nguyên
Đẩy mạnh khả năng chấp nhận rủi ro
Những ưu điểm trên đều đúng đối với e-learning ở Việt Nam, nhưng trong số những ưu điểm đó thì ưu điểm thứ 3 là ưu điểm nổi bật của trường ĐH đào tạo từ xa ở Việt Nam mà chúng ta đang nói đến.

Thật vậy, trường ĐH này là điều kiện tương đối hiện thực để cho các học sinh Việt Nam có thể tiếp xúc với các giáo sư người Việt ở các nước khác nhau trên thế giới với một quy mô rộng lớn. Tất cả những dự án khác về sử dụng nguồn trí thức Việt kiều cho mục tiêu đào tạo đại học ở Việt Nam, theo tôi, đều có mức độ khả thi thấp hơn một cách đáng kể so với việc tập hợp họ lại trong một trường đại học từ xa. Như vậy, việc sử dụng nguồn trí thức Việt kiều ở nước ngoài mới được tiến hành một cách nhanh chóng, có hệ thống và được tổ chức tốt.

Trường ĐH đào tạo từ xa mà chúng ta đang bàn đến là một môi trường rất thuận lợi để các học sinh Việt Nam bắt đầu làm quen với các giáo sư Việt kiều để tạo cơ sở đi du học, và cũng là môi trường thuận lợi để các giáo sư Việt kiều có thể tìm học trò cho mình, hoặc tìm giới thiệu học sinh Việt Nam sang nghiên cứu thạc sỹ, tiến sỹ ở các trường đại học ở các nước phát triển. Như vậy trường của chúng ta sẽ là trạm tuyển mộ và môi giới để đào tạo thạc sỹ và tiến sỹ ở nước ngoài. Điều này sẽ là một yếu tố tích cực để thu hút học sinh Việt Nam đến với trường.

Những nhược điểm:

Giảm cơ hội học hỏi từ bạn bè và giao tiếp
Đòi hỏi phải hỗ trợ nhiều thì học sinh mới học tốt được
Hạn chế sử dụng đối với những người lớn tuổi không thành thạo sử dụng máy tính
Hạn chế vay tiền đối với học sinh (không phải lúc nào học sinh học trường đào tạo từ xa cũng được ngân hàng hoặc chính phủ cho vay tiền)
Không kích thích môi trường học tích cực chủ động
Giảm khả năng truyền đạt lòng say mê từ giáo sư đến học sinh
Làm tăng khối lượng công việc của giảng viên, có một số giảng viên không quen và không thích dạy qua mạng
Chi phí cao (chi phí ban đầu, chi phí duy trì, chi phí nội dung, chi để khuyến khích giảng viên, chi cho trang thiết bị,…)
Làm nảy sinh các vấn đề về sở hữu trí tuệ
Làm nảy sinh các vấn đề liên quan đến anh ninh mạng
E-learning trong bối cảnh Việt Nam:

Trong điều kiện Việt Nam, có thể thấy rằng giới trẻ làm quen với Internet khá nhanh. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng tốc độ phổ cập Internet của Việt Nam nhanh hơn nhiều so với những nước châu Á khác như Trung Quốc, Thái Lan và Phillipine. Rất nhiều bạn trẻ Việt Nam sử dụng Internet rất thành thạo (blogs, forums,…) cho mục đích giao tiếp và học tập.

Trường của chúng ta sẽ có những phương pháp và biện pháp cụ thể để khắc phục các mặt nhược điểm nói trên. Ví dụ, trường sẽ sử dụng các sinh viên cao học làm trợ giảng để làm người điều phối các hoạt động học nhóm trên mạng hoặc trực tiếp (face to face) với những học sinh cùng sinh sống trong một thành phố.

Trường sẽ tìm mọi cách để các ngân hàng đối xử với sinh viên của trường bình đẳng như các sinh viên khác trong việc cấp tín dụng để học. Với những giảng viên chưa có kinh nghiệm dạy qua mạng, trường sẽ có những hướng dẫn hết sức chi tiết, cụ thể về cách sử dụng các phần mềm dạy học, và sẽ phân công các trợ giảng và nhân viên thiết kế học liệu (instructional designers) hỗ trợ các giảng viên về mọi mặt liên quan đến kỹ thuật.

Vì thế, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng rằng trường đại học đào tạo từ xa ở Việt Nam, với đội ngũ giảng viên là các trí thức người Việt đang giảng dạy và nghiên cứu ở khắp mọi nơi trên thế giới, sẽ là địa điểm hấp dẫn đối với học sinh Việt Nam.

Written by GS Vũ Quốc Phóng, cynosura.org