Muốn thanh toán hạng mục PCCC thì phải thực hiện đầy đủ các bước gì

Muốn thanh toán hạng mục PCCC thì phải thực hiện đầy đủ các bước gì

08/01/2021 / Nguyễn Thế Anh

Lượt xem: 1


Bạn học viên tại GXD đã gửi thư tới daotao@giaxaydung.com hỏi?
Kính chào các thầy giáo GXD. Em là học viên GXD. Lời đầu tiên em kính chúc sức khỏe các thầy cùng toàn bộ giảng viên, cán bộ GXD. Em có câu hỏi muốn nhờ thầy giải đáp giúp em (em đã hỏi nhiều người nhưng mỗi người trả lời một kiểu ạ): 

1. Thanh toán khối lượng hoàn thành hạng mục Phòng cháy chữa cháy (PCCC) thì hồ sơ thanh toán gồm những gì? Quyết toán thì sử dụng mẫu như nào?

2. Em có thể sử dụng phần mềm Quyết toán GXD để làm thanh quyết toán khối lượng hoàn thành hạng mục PCCC không?

3. Trong quá trình triển khai thi công gói thầu xây lắp vốn ngân sách nhà nước được ký hợp đồng theo hình thức đơn giá điều chỉnh (giá hợp đồng 50 tỷ) có phát sinh hạng mục PCCC (10 tỷ). Muốn thanh toán hạng mục PCCC thì phải thực hiện đầy đủ các bước gì ạ?

Em chân thành cảm ơn thầy.

Trả lời:

1. Thanh toán khối lượng hoàn thành hạng mục Phòng cháy chữa cháy (PCCC) thì hồ sơ thanh toán cũng tương tự các hạng mục xây lắp. Tất nhiên là theo thỏa thuận trong hợp đồng, tùy Chủ đầu tư và Nguồn vốn sử dụng cho dự án nữa. Theo quy định hiện hành, đối với hợp đồng xây dựng sử dụng vốn Nhà nước (vốn đầu tư công):

Khi có khối lượng hoàn thành được nghiệm thu theo giai đoạn thanh toán và điều kiện thanh toán trong hợp đồng, chủ đầu tư lập hồ sơ đề nghị thanh toán gửi Kho bạc Nhà nước, bao gồm:

- Biên bản nghiệm thu khối lượng công việc hoàn thành theo hợp đồng kèm theo Bảng xác định giá trị khối lượng công việc hoàn thành theo hợp đồng đề nghị thanh toán có xác nhận của đại diện bên giao thầu và đại diện bên nhận thầu (thời điểm bài viết này là biểu mẫu 08b theo Nghị định số 11/2020/NĐ-CP, cũ là PL 03a của Thông tư số 08/2016/TT-BTC).

- Khi có khối lượng phát sinh ngoài hợp đồng, chủ đầu tư gửi Biên bản nghiệm thu khối lượng công việc phát sinh ngoài hợp đồng kèm theo Bảng xác định giá trị khối lượng phát sinh ngoài phạm vi hợp đồng đề nghị thanh toán có xác nhận của đại diện bên giao thầu và đại diện bên nhận thầu (biểu mẫu 08b theo Nghị định số 11/2020/NĐ-CP, cũ là PL 04 của Thông tư số 08/2016/TT-BTC).

- Giấy đề nghị thanh toán vốn đầu tư – phụ lục số 05 của Thông tư số 08/2016/TT-BTC kèm theo.

- Chứng từ chuyển tiền ban hành theo quy định hệ thống chứng từ kế toán của Bộ Tài chính.

Quyết toán A-B thì tùy mẫu 2 bên yêu cầu; quyết toán để đi được kho bạc thì phải làm theo mẫu 08b. Một số Chủ đầu tư họ sử dụng mẫu 08b cho quyết toán A-B luôn. Mời em xem thêm bài Nội dung hồ sơ thanh quyết toán gồm những gì đăng trên trang thanhquyettoan.com nhé.

2. Rất tốt ấy chứ. Em có thể sử dụng phần mềm Quyết toán GXD để làm thanh quyết toán khối lượng hoàn thành hạng mục PCCC nhé. Nhiều công ty, nhiều anh/em kỹ sư cơ điện MEP dùng mà. Ngoài nhập số liệu vào để tính toán ra giá trị đề nghị thanh toán, còn theo dõi + kiểm soát khối lượng xuyên suốt quá trình thi công, lũy kế các đợt thanh toán, đến cuối dự án thì hội tụ được số liệu thành hồ sơ quyết toán hợp đồng luôn, trong quá trình thi công khi nào sếp hoặc CĐT cần thì có thể xuất báo cáo theo phương pháp quản lý dự án EVM (phương pháp quản lý dự án theog giá trị hoàn thành được nghiệm thu, thanh toán). Phần mềm Quyết toán GXD chạy trên Excel, thanh quyết toán thì phải chế bảng - chèn dòng / chèn cột yêu cầu tùy biến linh hoạt cao, mỗi hợp đồng xây dựng mỗi khác, vì thế làm thanh quyết toán thì Quyết toán GXD là lựa chọn tốt nhất rồi.

3. Thầy Nguyễn Đức Huy chuyên gia thi công các gói thầu cơ điện, giảng viên GXD đã giải đáp cho bạn học viên như sau:

Việc bổ sung hạng mục còn phụ thuộc thiết kế, nếu trong hồ sơ thiết kế ban đầu không có thì việc bổ sung khá là khó khăn về hồ sơ + thủ tục, nếu trong hồ sơ thiết kế ban đầu có hạng mục đó thì hợp đồng trọn gói cũng có thể được bổ sung, vì hạng mục PCCC là phải có đối với công trình. Việc bổ sung giá trị bao nhiêu phụ thuộc vào tổng mức đầu tư và dự toán gói thầu được phê duyệt.

Về nguyên tắc muốn thanh toán được thì phải có phụ lục hợp đồng, muốn có phụ lục hợp đồng thì phải có dự toán bổ sung được phê duyệt, muốn có dự toán thì phải có phương án thiết kế...

Trình tự cơ bản để em tham khảo là:

- Bổ sung thiết kế, lập dự toán bổ sung

- Thẩm tra thiết kế + dự toán bổ sung

- Phê duyệt phương án

- Thương thảo với nhà thầu (*)

- Ký phụ lục hợp đồng

+ Nếu việc phê duyệt làm vượt tổng mức đầu tư hoặc dự toán gói thầu đã được phê duyệt thì Người quyết định đầu tư phê duyệt

+ Nếu không vượt tổng mức đầu tư, dự toán gói thầu thì Chủ đầu tư phê duyệt.

Em đọc thêm Điều 11, điều 31 Nghị định số 32/2015/NĐ-CP, điều 143 Luật Xây dựng số 50/2014/NĐ-CP và điều 35 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP. (**)

(*) Đối với khối lượng phát sinh mới, nếu thương thảo với nhà thầu không thành thì hình thành gói thầu mới, em xem thêm hướng dẫn tại Thông tư số 07/2016/TT-BXD ngày 10/03/2016 của Bộ Xây dựng hướng dẫn điều chỉnh giá hợp đồng.

(**) Lưu ý quy định về Pháp luật xây dựng thường xuyên có sự thay đổi, tại thời điểm hiện hành em chú ý cập nhật các văn bản mới: Luật sửa đổi bổ sung Luật Xây dựng số 50, Nghị định quản lý chi phí đầu tư xây dựng thay thế Nghị định số 32, Nghị định về hợp đồng xây dựng thay thế Nghị định số 37 và Thông tư hướng dẫn điều chỉnh giá hợp đồng mới thay thế Thông tư số 07.


Các kỹ sư QS GXD luôn được đào tạo rất kỹ về hợp đồng xây dựng, thanh quyết toán, điều chỉnh giá hợp đồng...

Khi thực hiện hãy không ngừng rút kinh nghiệm, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện quy trình các bước nói trên hơn nữa tích lũy cho bản thân.