Gửi các em sinh viên. Nhưng các kỹ sư, thạc sỹ cũng nên đọc.

Gửi các em sinh viên. Nhưng các kỹ sư, thạc sỹ cũng nên đọc.

26/10/2017 / Nguyễn Thế Anh

Lượt xem: 1


Nhân một bạn học viên cao học nhắn tin cho tôi, liền đăng tải lại một câu chuyện từ facebook của anh bạn tôi Phạm Hoàng Tuấn, Giám đốc một Ban Quản lý dự án.

CÂU CHUYỆN TỪ BẠN HỌC VIÊN CAO HỌC

- Em nhờ thầy tư vấn cho em chút được không ạ?

- Gì thế chú, sao nay rụt rè thế? Lần sau hỏi là hỏi luôn, đừng mất thời gian hỏi là "Em xin hỏi có được không nữa?".

- Vâng. Em đang học Cao học Kinh tế xây dựng ở trường ĐHXD, em đang chuẩn bị chọn đề tài làm tốt nghiệp. Muốn nhờ thầy cho em xin ít gợi ý đề tài?

- Ai hướng dẫn thế?

- Vẫn chưa chọn thầy được ạ. Chắc khoảng tháng 1 sang năm mới chọn đề tài vs thầy hướng dẫn, em đang muốn tìm hiểu trước thôi (lúc này đang là tháng 10).

- Nghiên cứu đẩy mạnh việc ứng dụng BIM trong quản lý xây dựng ở Việt Nam thì sao?

- Món đó mới thầy nhỉ, em thấy thầy giới thiệu rồi nhưng chỉ vướng chút là toàn tiếng Anh, trình tiếng Anh của em gà quá.

CÁC EM SINH VIÊN, CẢ CÁC HỌC VIÊN CAO HỌC VÀ CÁC KỸ SƯ COI ĐOẠN NÀY THẤY HÌNH ẢNH QUEN KHÔNG?

1. Muốn tham gia hoạt động, muốn đăng ký tình nguyện cho bằng bạn bằng bè. Nhưng sợ mệt, sợ nắng. Sợ không có ai làm quen. Rủ được bạn đi cùng thì đi, không thôi thích thì nghỉ, mình có mất gì đâu…

Ừ thì không mất gì đâu…

Muốn đi làm thêm, nhưng chỗ ngon thì sợ phỏng vấn rớt. Chỗ kém hơn thì ngại lương thấp, giờ giấc gò bó. Thôi ở nhà, có học bổng Ba-ta-chi sẵn rồi. Hổng ham bon chen kiếm tiền nhỏ. Để dành mai này đi làm kiếm tiền to mới thích.

Ừ thì để dành mai này đi làm…

Muốn đi học Tiếng Anh. Nhưng trung tâm uy tín thì sợ tốn tiền. Chỗ giảm giá thì sợ chất lượng kém. Ra câu lạc bộ thì ngại trình mình đang kém, nói sai viết dở thì kẻ cười người chê. Lại thôi. “Tài liệu Free đầy trên mạng, tự học được mới gọi là giỏi, mình tự giác được mà…”.

Ừ thì tự giác được mà…

Muốn đi chơi, đi phượt như con nhà người ta, nhưng hễ thấy xa là sợ. Trề môi, tại tụi nó giàu mới đi được nhiều thế. Em nhà nghèo Cafe chém gió, du lịch qua màn hình nhỏ. Mai này đi làm có tiền tính sau…

Ừ thì có tiền tính sau…

Muốn tự mình kinh doanh, làm ông chủ, bà chủ phát cho nó oách. Nhưng sợ có người làm rồi, sợ vất vả, sợ không bán được hàng, sợ phá sản. Ý tưởng Start-up hoành tráng triển khai ra mấy chục trang mãi chưa thấy qua nổi bước Start, kêu phải đợi xem tình hình kinh tế biến động thế nào đã. Cha nội Trump mới trúng cử kia kìa...

Ừ thì đợi xem tình hình…

Riết hoài muốn làm cái này, muốn làm cái kia rồi cuối cùng cũng cái gì khó khăn, chưa chắc ăn là đẩy ra xa. Hôm nay không làm thì mai làm. Tận 4 năm sinh viên cơ mà. Sợ gì!

Ừ thì 5 năm sinh viên mà, sợ gì…???

Rồi thì sao?

Đến khi tốt nghiệp mới giật mình. Đứa bạn hồi xưa thua kém mọi mặt, giờ nhìn nó kinh nghiệm đầy ắp, ngoại ngữ tinh thông. Mặt mày tự tin coi chuyện ra trường TÌM việc nhẹ tựa lông hồng.

Nhìn lại mình CV vài dòng lơ thơ thông tin cá nhân, trình độ học vấn. Chấm hết. Nghĩ đến cảnh đi phỏng vấn XIN việc là thấy mướt mồ hôi, sôi nước mắt. Hỏi các kỹ năng em có là gì? Lắc đầu ngơ ngác. Hỏi sở thích là chi, chẳng nhẽ nói “ngồi nhà chém gió”?!?

Hồ sơ mua về thành chồng, rải tứ tung như rải đinh mà đợi hoài không thấy ai gọi. Tại vì sao? Tại vì trong hàng trăm hàng ngàn cử nhân cũng đang chờ chực ngoài kia, bằng cấp của họ cũng giống như bạn, thậm chí còn “ngon” hơn nhiều. Vậy thì bạn có gì đáng để người ta chú ý?

Sinh viên cứ kêu hoài sao đi đâu cũng đòi kinh nghiệm. Tụi em mới ra trường, chưa đi làm thì kinh nghiệm móc đâu ra? Xin thưa, kinh nghiệm bạn phải tự mà chuẩn bị ngay từ khi đang còn sinh viên. Người khác vác mặt đi làm thêm từ năm nhất đến năm tư. Bạn thì vác mặt đi chơi game cũng từ năm nhất đến năm tư. Thế thì còn thắc mắc gì nữa.

Doanh nghiệp làm ăn không phải Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội để mà lo cho bạn. Một sự thật có thể bạn… thừa biết: Sinh viên mới ra trường hầu như phải đào tạo lại từ đầu vì thừa lý thuyết, thiếu kinh nghiệm và đặc biệt hổng nghiêm trọng các kỹ năng mềm. Người nào càng nhanh thích ứng với công việc thực tế thì doanh nghiệp càng tiết kiệm được chi phí, thời gian, nhân lực, công sức đào tạo nhân sự mới. Vậy thì tuyển ai, bỏ ai bạn tự hiểu rồi chứ?

Ừ thì thất nghiệp. Rồi thì sao?

Thì chấp nhận làm trái ngành. Hoặc giấu bằng đi làm công nhân. Đừng tưởng tui đùa, chuyện “cử nhân giấu bằng đi làm công nhân” VTV có phóng sự rồi nè.

Đã đủ để bạn giật mình chưa? Cho nên, làm ơn đừng ngồi đó rồi mơ mộng chuyện ra trường việc nhẹ lương cao nữa nhé.

Mà đã hết đâu…

Có bạn thất nghiệp hoài, ba mẹ sốt ruột quá bắt về nhà rồi xin cho một suất quê (thường là trong cơ quan nhà nước). Đi làm công chức thì tất nhiên bạn không thích rồi (tui thích tự do bay nhảy cơ). Nhưng bạn có biết đằng sau cái vị trí ổn định đó là gì không?

Là cái giá hàng trăm triệu cho một vị trí thu nhập lèo bèo vài triệu. Là công sức ba mẹ vác mặt đi xin xỏ, thiếu điều còng lưng lạy lục người ta. Con cái có hỏi thì xua tay “Thôi miễn mày khỏi lông bông là được rồi”.

Ừ thì lo cho con cho cái là điều ba mẹ “phải” làm. Nhưng bỏ ra cả trăm triệu để cho bạn “học hành đàng hoàng”, lại mấy lần trăm triệu nữa để cho bạn “công việc ổn định”. Thấy đáng không? Công sức dành dụm hơn nửa đời người, phòng khi sau này trái gió trở trời, bệnh tật đau yếu còn có khoản tiền để lo. Thì bây giờ, ông già bà già đó lại phải dành hết để lo cho bạn. Thấy đáng không???

Lúc ấy tiếc nuối thì đã muộn. Đêm về gác tay lên trán “Giá như, giá như,…” Nước mắt chảy dài... Tại ai?

Tại mình chứ tại ai?

Là vì cái thói trì hoãn và sợ sai đó. Tuổi ăn, tuổi chơi không phải lo nghĩ nhiều nên còn lầy được thì cứ lầy. Thời gian thì cứ trôi vun vụt nào có đợi ai đâu. Chẳng có gì quá sớm mà tính sau hay để dành cả. Muốn thì tìm cách. Không muốn thì tìm lý do. Đứa nào lầy thì cứ kiên trì đắn đo. Vậy thôi.

Bạn nào muốn không mắc sai lầm thì cách duy nhất là không làm gì cả. Chứ đã làm thì nhất định sẽ có sai. Nhưng đừng ngại, sai thì mình sửa. Không học từ sai lầm thì lấy đâu ra kinh nghiệm để cho mình tiến bộ. Miễn là nằm trong phạm vi mình có thể chịu trách nhiệm được thì… cứ mạnh danh mà quất.

5 năm sinh viên (kể cả 2 năm thạc sỹ, rồi mấy năm đi làm kỹ sư) mà sợ sai là dại.

Nói thì nghe có vẻ tiêu cực nhưng tuổi trẻ là lý do tuyệt vời để cho bạn làm sai mà chẳng sợ bị chê trách. Vì bạn còn trẻ mà. Ai nên khôn chả dại đôi lần. Đừng chần chừ khi đang còn là sinh viên. Vì nếu làm sai (miễn đừng sai quá đáng) thì cái giá phải trả còn ít (chủ yếu là mất sức, mất thời gian của mình). Và hầu hết vẫn có cơ hội để làm lại. Còn sau này đi làm rồi thì sao? Thì cứ đi mơ nhé. Bạn làm sai là là ảnh hưởng đến lợi ích người khác. Nhẹ thì ăn chửi. Nặng thì trừ lương. Nặng hơn nữa thì đuổi thẳng.

Vậy giờ không lo tận dụng cơ hội để mà sai trước đi?

- Khi tuổi trẻ còn phát cho bạn giấy nháp thì tranh thủ mà xài đi chớ.

- Muốn đi nhanh, phải học cách lắng nghe, lăn xả vào công việc

- Học học học. Làm làm làm. Sai sai sai. Phân tích lý do. Tìm hướng cải thiện. Làm lại.

- Rồi ai góp ý thì chịu khó mà nghe. Dẫu khó nghe đến mấy nhưng người ta nói đúng với mục đích tốt cho mình thì phải cố một vâng hai dạ. Dỏng hai tai lên nghe cho bằng hết. Đừng có cãi ngang. Dại lắm. Chỉ sướng cái mồm của bạn thôi chứ lần sau đảm bảo người ta sẽ chẳng bao giờ góp ý nhiệt tình cho bạn nữa. Thử đặt mình ở vị trí của họ, bạn sẽ hiểu ngay (Đã tư vấn cho rồi cứ thích cãi ngang. Lần sau mặc kệ. Đếch thèm nói nữa).

Khuyên thật lòng nhé!

Bạn nào muốn tiến lên nhanh phải rèn cho bằng được các kỹ năng lắng nghe và đặt câu hỏi. Rộng hơn là tinh thần cầu tiến. Dám sai, dám sửa, dám gánh lấy trách nhiệm. Chịu hỏi, chịu nghe, chịu tiếp thu ý kiến.

Thế thôi! Nhưng sao ít người làm được?

Đơn giản vì chẳng có ai khoái bị người khác phê bình cả. Nhưng không chịu nghe mà cứ tự mò mẫm thì cứ xác định, rồi sẽ tốn thêm một (cơ số) khoản phí “học ngu” nữa. Đừng ảo tưởng sức mạnh. Đừng tự tin thái quá. Muốn ít phải trả giá nhất, hãy đi xin kinh nghiệm của những người đi trước. Và muốn xin được, bạn phải biết lắng nghe. Muốn được chỉ dạy phải chịu nghe người ta, tôn trọng người ta...

À dĩ nhiên bên cạnh những góp ý thì bạn sẽ gặp nhiều thể loại cứ thích soi mói, chỉ trích thất bại của người khác. Thì:

- Mặc kệ nó. Nhớ nhé, đừng quan tâm làm gì cho mất thời gian. Mình tốt lên thì tự mình biết.

- Người ta có trả cát xê đâu mà mình phải diễn cho vừa lòng họ.

- Kệ bà nó. Làm đi!

- Làm đi. Hành động ngay đi. Bạn còn trẻ mà. Sợ gì?

Bạn đang trắng tay chả có gì để mất (đánh đổi những thứ đúng pháp luật và phù hợp thuần phong mỹ tục thôi nhé). Bạn có sức khỏe để chịu đựng vất vả. Bạn chưa bị ràng buộc gia đình, vợ con. Bố mẹ chưa cần bạn phải lo. Xã hội chưa cần bạn phải lo. Cộng đồng mạng không cần bạn phải lo. Bạn chỉ phải lo cho chính mình…

Vậy thì làm đi. Bạn còn đợi gì nữa?

- Bạn đừng đợi đam mê tới rồi mới làm. Làm đi. Rồi đam mê sẽ tới hoặc tìm đến đam mê.

- Bạn đừng đợi cơ hội tới rồi mới làm. Làm đi. Rồi cơ hội sẽ tới, hãy tìm lấy cơ hội

- Bạn đừng đợi tài giỏi rồi mới làm. Làm đi. Rồi bạn sẽ tài giỏi, hãy làm mình tài giỏi.

- Bạn đừng sợ và không làm. Làm đi. Không làm gì mới là thứ đáng sợ nhất, thiếu kiến thức và kinh nghiệm cái gì cũng sợ, nói cũng sợ sai...

Bạn còn đợi gì nữa?

Ghép nốt vào câu chuyện ở đầu bài: "Em tháng 1 sang năm mới đăng ký đề tài cao học chính thức cơ mà, ngay từ giờ đọc - dịch tiếng Anh, đọc tài liệu về BIM, nỗ lực thì kịp chán, cứ sợ là sao?